Gạo Việt vào EU được giá sau khi EVFTA có hiệu lực.
Ngày 26/8, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đơn vị này vừa ký hợp đồng bán gạo với ba khách hàng của Cộng hòa Liên Bang Đức với tổng khối lượng lên đến 3.000 tấn.
Theo đó, trong đợt giao lô hàng lần đầu tiên, đơn vị này sẽ giao với khối lượng khoảng 150 tấn gạo, tương đương 6 contener. Hai chủng loại gạo thơm được công ty Trung An xuất khẩu lần này là gạo ST20 và Jasmine. Trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 đô la Mỹ/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 đô la Mỹ/tấn.
Theo ông Bình, lâu nay doanh nghiệp ông đã khai thác khá tốt thị trường EU. Tuy nhiên, đây là lô gạo đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực được bán với thuế suất 0%. Ông Bình cho biết trước khi EVFTA có hiệu lực, gạo Jasmine chỉ có giá tầm 520 đô la/tấn, còn gạo ST20 có giá khoảng 800 đô la/tấn. “Ngoài tác động tích cực của việc giảm thuế, thị trường gạo năm nay sôi động hơn, giá xuất khẩu vì thế cũng cao hơn”, ông chia sẻ.
Để được thị trường EU chấp nhận, sản phẩm gạo phải có vùng trồng rõ ràng, truy xuất nguồn gốc đúng gạo Việt Nam, đạt tiêu chuẩn Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế) hoặc tương đương, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và có chất lượng thơm ngon.
Được biết, sau khi EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 1-8-2020, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được hưởng lợi. Trong đó, đối với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn với thuế suất 0%. Thị trường này cũng cho tự do hóa hoàn toàn với mặt hàng gạo tấm; riêng các sản phẩm từ gạo được hưởng thuế suất 0% sau ba đến năm năm.
Việc công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu gạo nói riêng và gạo Việt Nam nói chung vào được thị trường EU sẽ giúp các thị trường khác phát triển tốt hơn, các nước khác sẽ đánh giá tốt hơn về chất lượng gạo Việt Nam, theo dự báo của ông Bình, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU thời gian tới sẽ khởi sắc hơn.